Tin nhắn rác, cuộc gọi quấy nhiễu từ người gọi không thể nhận dạng, gợi ý giao dịch lừa lọc và rất nhiều điều phiền toái, bẫy rập - những điều bê bối gắn với dịch vụ điện thoại di động đã tồn tại từ nhiều năm. Báo chí đã không ít lần đề cập chuyện này.
Báo cáo về kết quả thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với 3 nhà mạng đang nắm giữ thị phần áp đảo không làm người ta bất ngờ hay ngạc nhiên. Đó chỉ là sự xác nhận chính thức về một kiểu làm ăn tắc trách, chạy theo lợi nhuận mà ai cũng biết.
Các nhà mạng đã được yêu cầu sửa sai. Đối với những việc làm gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ, nhà mạng được yêu cầu phải nghiêm túc khắc phục hậu quả. Thế nhưng, tất cả những biện pháp ấy đều chỉ có tác dụng xử lí những sai phạm cụ thể. Chẳng có gì bảo đảm sau vụ xử lí này, chất lượng cung ứng dịch vụ sẽ được cải thiện, người sử dụng dịch vụ điện thoại di động sẽ không còn bị làm phiền, bị móc túi oan uổng.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng độc quyền là mấu chốt của câu chuyện. Các nhà mạng bắt tay với nhau tạo thành một thế lực to lớn có khả năng chi phối, áp đặt luật chơi, đặt người tiêu dùng vào thế không có sự lựa chọn. Cùng thỏa thuận (đúng ra là thông đồng) để cung ứng cho người tiêu dùng một dịch vụ kém chất lượng, đầy rủi ro, nhà cung ứng biến toàn xã hội thành một cộng đồng “tù nhân” của mình: có chạy đằng nào thì dịch vụ cũng chỉ chừng đó, không hơn. Việc các nhà mạng gần như đồng loạt tăng giá cước 3G gây ồn ào gần đây là một dấu hiệu khác của mối quan hệ liên minh ấy, sự liên minh ích kỉ chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích riêng của nhà cung ứng.
Bởi vậy, vấn đề là phải làm thế nào ngăn ngừa tình trạng độc quyền, lũng đoạn từ gốc. Các nhà mạng chịu sức ép cạnh tranh sẽ phải vắt óc suy nghĩ để có thể cung ứng cho khách hàng các dịch vụ, tiện ích có chất lượng và với giá cả hợp lí cũng như làm mọi việc có thể để khách hàng luôn cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ của mình.
Ở các nước tiên tiến, người sử dụng điện thoại di động không phải chịu đựng sự hành hạ và những rủi ro tương tự dù nhà mạng cũng nắm giữ thị phần khống chế. Lí do chính là nhà mạng thường xuyên đối mặt với cộng đồng người sử dụng dịch vụ, được tổ chức thành hội người tiêu dùng và được pháp luật thừa nhận có những quyền có thể được sử dụng để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
Đặc biệt, hội người tiêu dùng có quyền nhân danh tập thể hội viên kiện một hoặc một nhóm các nhà sản xuất, cung ứng ra tòa án về các hành vi gây thiệt hại cho cộng đồng người tiêu dùng. Các nhà sản xuất, cung ứng bị kiện có thể bị phạt nặng, bị buộc bồi thường cho hàng triệu người và đứng trước nguy cơ sụp đổ cơ nghiệp dưới sức nặng của các biện pháp chế tài.
Hội người tiêu dùng còn có quyền phát động tập thể hội viên đồng loạt tẩy chay một sản phẩm hoặc một dịch vụ nào đó trong trường hợp sản phẩm, dịch vụ không đạt chất lượng kĩ thuật như cam kết, thậm chí không thỏa mãn các yêu cầu về đạo đức, nhân văn, bảo vệ môi trường. Hội người tiêu dùng có thể được tổ chức không chỉ trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ điện thoại di động mà trong tất cả các lĩnh vực tiêu dùng.
Ở xứ ta, bao giờ có thể làm được như thế?
Theo Người Lao Động
Bài viết hiện đăng tải tại http://phuoctien.blogspot.com
0 nhận xét | Viết lời bình