Do hệ sinh thái Android của Google, một công ty tưởng chừng không liên quan, lại bị ảnh hưởng lớn trong cuộc tranh chấp bằng sáng chế giữa Apple và Samsung.
Apple tấn công Samsung để đánh Google và Android
Đầu tuần này, Apple và Samsung sẽ trở lại tòa án liên bang ở San Jose để bước vào vòng thứ hai cuộc chiến bằng sáng chế, liên quan tới việc Apple cáo buộc Samsung sao chép các tính năng chính của iPhone 5, iPad Mini và iPad 4. Tuy nhiên, một công ty khác tưởng không liên quan lại bị tác động lớn trong vụ việc này, đó là Google.
Trong một đơn kiện, Apple yêu cầu Samsung phải bồi thường 2 tỉ USD vì bán các mẫu điện thoại và tablet vi phạm 5 bằng sáng chế phần mềm di động của Apple. Trong lúc đó, Samsung cũng nói Apple vi phạm 2 bằng sáng chế của họ.
Trên những sản phẩm của Samsung mà Apple khởi kiện có một vài tính năng thuộc về hệ điều hành Android của Google, cho tới nay là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, đang chạy trên hơn một tỉ thiết bị của nhiều nhà sản xuất.
Điều đó có nghĩa nếu Apple thắng, Google có nguy cơ sẽ phải thay đổi một số tính năng quan trọng của Android, và Samsung cũng như các nhà sản xuất Android khác có thể phải sửa đổi phần mềm điện thoại.
Ông Mark P. McKenna, giảng viên về luật tài sản trí tuệ ở Notre Dame, nói: “Google là nhân tố đứng đằng sau những vụ việc này do hệ sinh thái Android. Một số người đã miêu tả cuộc chiến giữa Samsung và Apple cũng thực sự là cuộc chiến giữa Apple và Google”. Các đại diện của Apple, Samsung và Google từ chối đưa ra bình luận.
Vụ kiện hiện tại, với bồi thẩm đoàn sẽ được bầu chọn vào đầu tuần này, là cuộc chiến lớn trước tòa án thứ hai giữa Apple và Samsung liên quan tới các bằng sáng chế. Vụ kiện lớn đầu tiên diễn ra vào năm 2012, khi đó Samsung thua kiện và phải bồi thường 930 triệu USD. Đó chỉ là một khoản tiền nhỏ đối với Apple, một trong những công ty giàu nhất thế giới. Và việc Samsung thua cuộc hầu như không ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ các mẫu điện thoại của họ. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC, trong năm 2013 Samsung đã xuất xưởng được 314 triệu chiếc điện thoại.
Vì thế, vụ kiện lớn thứ hai này không phải chỉ vì tiền, theo đánh giá của ông James Bessen, một giảng viên luật tại Đại học Boston. Ông Bessen nói nếu Apple chỉ muốn tiền, họ đã đồng ý hòa giải.
Tuy nhiên, ông Bessen cho rằng khó để Apple tấn công Google bằng cách đánh Samsung. Cả Google và Samsung đều có thể thay đổi tính năng để tránh vi phạm bằng sáng chế. Và tính tới lúc hết thời hạn xét xử và kháng cáo, những sản phẩm thế hệ mới đã ra mắt và thay thế những sản phẩm bị cáo buộc vi phạm.
“Để hạ gục Android với nửa tá bằng sáng chế thì chỉ như một cú sút xa”, ông Bessen nói.
Có phải cú sút xa hay không, thì việc chống lại hệ sinh thái Android của Google vẫn vốn là mục tiêu mà cố tổng giám đốc Steve Jobs của Apple luôn ấp ủ. Ông gọi Android là đồ nhái iPhone và nói với tác giả cuốn tiểu sử của ông, Walter Isaacson, rằng ông sẵn sàng làm “chiến tranh hạt nhân” chỉ để giết chết Android.
Steve Jobs nói với ông Isaacson rằng vụ kiện bằng sáng chế vừa qua của Apple chống lại HTC, một hãng sản xuất Android khác, chủ yếu là để nhắm vào Google.
“Tôi sẽ hủy hoại Android, vì nó là một sản phẩm đi ăn cắp”, lời ông Jobs được trích dẫn trong cuốn sách “Steve Jobs” của Isaacson.
Trong vụ kiện sẽ diễn ra trong tuần này, khiếu nại pháp lí của Apple nhằm vào một số tính năng mà Google, chứ không phải Samsung, tích hợp vào hệ điều hành Android, như khả năng nhấn vào một số điện thoại trong tin nhắn văn bản để quay gọi số đó. Và mặc dù Google không phải bị đơn trong vụ kiện này, một số lãnh đạo của họ được dự đoán có thể phải ra làm chứng.
Cuộc chiến không hề dễ thở
Apple vốn có lịch sử tấn công những nhà sản xuất bị họ coi là kẻ sao chép. Năm 1988, Apple đã kiện Microsoft và HP, tuyên bố rằng những chương trình phần mềm của hai công ty này, bao gồm cả hệ điều hành Windows, vi phạm quyền sở hữu của Apple về cách trình bày thông tin trên hệ điều hành Macintosh. Sau cuộc đấu tranh pháp lí dài 4 năm, Apple gần như không đạt được tất cả những yêu sách.
Apple đệ trình khiếu nại mới nhất nhằm vào Samsung hơn 2 năm trước đây tại tòa án liên bang ở San Jose (Mỹ), cáo buộc Samsung vi phạm các bằng sáng chế phần mềm liên quan tới cả iPhone và iPad, bao gồm tính năng “trượt để mở khóa” và tìm kiếm, khả năng tìm kiếm dữ liệu trên thiết bị và trên mạng Internet cùng một lúc.
Đối với những bằng sáng chế này, Apple muốn được bồi thường 40 USD cho mỗi thiết bị của Samsung bán ra tại Mỹ. Trong số những sản phẩm của Samsung bị Apple tố cáo vi phạm bằng sáng chế có Galaxy S3, sản phẩm đã có thời điểm vượt qua iPhone về doanh số, và Galaxy Note II.
Đơn khiếu nại của Apple có đoạn viết: “Thay vì theo đuổi phát triển sản phẩm một cách độc lập, Samsung lại sao chép một cách hèn hạ công nghệ sáng tạo của Apple”.
Samsung nói Apple đã vi phạm những bằng sáng chế về cách sắp xếp album ảnh, cũng như phương pháp truyền video qua mạng không dây. Họ mua lại những bằng sáng chế này từ Hitachi và một nhóm các nhà phát minh của Mỹ.
Vụ án này sẽ được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn 4 người và được dự tính sẽ kéo dài một tháng. Các luật sư của Apple dự kiến sẽ tranh luận rằng bằng cách sao chép các tính năng của thiết bị Apple sau đó bán đi hàng triệu thiết bị, Samsung đã gây tổn hại cho Apple, vì những người mua điện thoại Samsung đáng lẽ thay vào đó sẽ mua iPhone của Apple.
Apple có thể sẽ cố gắng chứng minh Samsung là một cỗ máy sao chép, chứ không phải một nhà sáng tạo, bằng cách chỉ ra rằng hai bằng sáng chế mà Samsung tố cáo Apple vi phạm không dựa trên ý tưởng của Samsung, mà chúng được mua từ các nhà phát minh khác.
Các luật sư của Samsung sẽ tìm cách tranh luận là các bằng sáng chế của Apple không hợp lệ. Họ làm điều đó bằng cách chứng minh rằng các tính năng phần mềm tương tự đã được Google phát triển trước khi iPhone ra mắt. Có lẽ họ sẽ khiếu nại là đơn kiện của Apple đe dọa sự cạnh tranh vì các bằng sáng chế mà Apple tố cáo Samsung vi phạm liên quan lớn tới hệ điều hành Android, có nghĩa các nhà sản xuất smartphone khác cũng có khả năng bị lôi kéo vào vụ tranh chấp.
Apple có một số lợi thế khi bước vào vụ kiện này. Họ đã chiến thắng trong trận chiến thứ nhất với Samsung, điều này có thể tác động tới các bồi thẩm viên đang xem xét liệu Samsung có tiếp tục vi phạm các bằng sáng chế của đối thủ hay không. Và thẩm phán Lucy H.Koh, người từng giám sát vụ kiện trước, đã phán quyết là Samsung vi phạm một trong những bằng sáng chế của Apple liên quan tới phương pháp sửa lỗi chính tả trong quá trình người dùng soạn thảo văn bản. Vì thế Samsung đã thua một bước.
Tuy nhiên, điều đó không chắc đây sẽ là một cuộc chiến đơn giản. Để tổ chức phiên tòa, thẩm phán Koh đã giới hạn số bằng sáng chế mà mỗi công ty có thể cáo buộc bên kia vi phạm.
Tháng 1/2014, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Apple và Samsung đã gặp gỡ với người hòa giải để thảo luận về việc dàn xếp, nhưng không đạt được kết quả. Trong mọi trường hợp, việc dàn xếp sẽ khó khăn cho cả hai công ty vì những bất đồng trong chiến lược kinh doanh.
Hướng đi của Apple là phát triển phần mềm chạy độc quyền trên phần cứng, và công ty này thường không cấp phép sử dụng bằng sáng chế vì họ muốn ngăn chặn đối thủ sao chép sản phẩm.
Trong khi đó, Samsung thành công với tất cả các loại sản phẩm, như máy giặt, tủ lạnh, smartphone và cả tivi. Họ sẽ không loại bỏ những tính năng này khỏi loạt smartphone đắt khách nếu như không nổ ra một cuộc chiến.
Theo ICTnews/NYT
0 nhận xét | Viết lời bình