Dự thảo Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn Nghị định 72 về quản lí game và Internet đã mở rộng đối tượng doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến bắt buộc phải lưu trữ thông tin cá nhân của các game thủ.
Chiều nay, 24/4/2014, tại trụ sở Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã chủ trì hội thảo góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định chi tiết 1 số điều của Nghị định số 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng về trò chơi điện tử trên mạng.
Một trong những vấn đề nóng mà Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan góp ý là vấn đề quản lí thông tin người chơi trò chơi trực tuyến.
Trong Nghị định 72 chỉ yêu cầu lưu trữ thông tin cá nhân đối với trò chơi G1 (loại trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ). Nhưng để đảm bảo yêu cầu quản lí và thực tế các doanh nghiệp vẫn lưu trữ thông tin cá nhân người chơi, nên dự thảo Thông tư của Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi G1, G2 (trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ) và G3 (trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ) đều phải lưu trữ thông tin cá nhân người chơi. Như vậy, chỉ còn duy nhất loại trò chơi G4 (trò chơi được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau hoặc với máy chủ) không buộc phải lưu trữ thông tin game thủ.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng phải quản lí thông tin game thủ, song vẫn có ý kiến băn khoăn rằng thực tế vẫn đang rất khó có thể đảm bảo tính xác thực của thông tin người chơi.
Liên quan đến hoạt động quản lí người chơi game online, theo góp ý của Sở TT&TT TP HCM, cần có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau và với cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lí người chơi đồng bộ, xuyên suốt, tương tự như quy định về kết nối cơ sở dữ liệu trong quản lí thuê bao di động trả trước.
Cục Phát thanh – Truyền hình & Thông tin điện tử cho rằng nếu thực hiện được đề xuất của Sở TT&TT TP HCM thì sẽ phục vụ rất tốt cho công tác quản lí. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì đề xuất này chưa khả thi vì các doanh nghiệp viễn thông đều là doanh nghiệp có quy mô lớn và số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ít (khoảng 5 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước chiếm cổ phần chi phối), trong khi số lượng các doanh nghiệp game online lại nhiều (hiện tại đã có hơn 30 doanh nghiệp), quy mô lại nhỏ nên khó có khả năng thực hiện được việc này. Hiện dự thảo đã quy định ở mức bắt buộc phải kết nối cơ sở dữ liệu về tài khoản người chơi giữa các trò chơi trong cùng một doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo chiều nay, đại diện Bộ TT&TT cho biết đơn vị soạn thảo dự thảo Thông tư đã cụ thể hóa tiêu chí phân loại trò chơi theo độ tuổi với những đặc điểm được thể hiện cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh có thể tác động đối với mỗi nhóm lứa tuổi. Đồng thời giao cho doanh nghiệp tự thực hiện phân loại, trường hợp Bộ TT&TT nhận thấy kết quả phân loại của doanh nghiệp không phù hợp với nội dung trò chơi và tiêu chí phân loại, Bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại việc phân loại. Nếu doanh nghiệp không chấp hành thì Bộ yêu cầu dừng phát hành trò chơi.
Tuy nhiên, có ý kiến kiến nghị rằng trong dự thảo, tiêu chí phân loại người chơi giữa người 18 tuổi với người 12 tuổi không khác nhau mấy; dự thảo quy định giao cho các doanh nghiệp tự phân loại trò chơ nhưng chế tài quy định còn nhẹ, khi phát hiện vi phạm mà chỉ yêu cầu dừng phát hành trò chơi thì chế tài chưa chặt, có thể tạo kẽ hở trong việc phân loại trò chơi.
Một vấn đề được các doanh nghiệp game tập trung bàn thảo khác nữa là sự phối hợp với cổng thanh toán trực tuyến và doanh nghiệp cho thuê đường truyền, đặt máy chủ để ngăn chặn game lậu. Hiện đơn vị soạn thảo vẫn chưa đưa vấn đề này vào dự thảo Thông tư do chưa rõ tính khả thi.
Thực tế gần đây xuất hiện hiện tượng game lậu tràn lan trên thị trường mà chưa có giải pháp quản lí hiệu quả, gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp cung cấp game trong nước với doanh nghiệp cung cấp game nước ngoài. Phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng chú ý, không chỉ có game lậu mà có thể một số dịch vụ bất hợp pháp khác cũng có thể lợi dụng kẽ hở này để âm thầm tồn tại và phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt các dịch vụ qua mạng. Quan điểm của Bộ TT&TT là để hạn chế hiệu quả tình trạng này, cần có quy định điều chỉnh hoạt động của cổng thanh toán (nơi doanh nghiệp nước ngoài thu tiền từ người chơi trong nước) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (các đơn vị cho thuê máy chủ, hỗ trợ về mặt kĩ thuật để doanh nghiệp nước ngoài phát hành game lậu ở Việt Nam). Đặc biệt, việc kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ triệt tiêu được phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp phát hành game lậu. Tuy nhiên, hiện các quy định liên quan đến cổng thanh toán vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, Thứ trưởng Bộ TT&T Trương Minh Tuấn cho biết đơn vị soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến đóng góp. Quan điểm của Bộ TT&TT là cố gắng hạn chế tiêu cực của game chứ không kìm hãm doanh nghiệp phát triển game.
Theo ICTnews
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ
0 nhận xét | Viết lời bình