Năm 1995, một cựu giáo viên người Trung Quốc tên Jack Ma lần đầu tiên đến Mỹ. Trước đó không lâu, Ma đã thành lập một công ty dịch thuật nhằm tận dụng cơn bùng nổ xuất khẩu của nền kinh tế Trung Quốc. Trong quá trình vận hành công ty dịch thuật này ở Mỹ, một người bạn của Ma đã chỉ cho ông về Internet. Người này nói rằng tất cả mọi thứ đều có trên Internet. Thế là Ma quyết định thử tìm kiếm về bia. Không có một kết quả nào về bia ở Trung Quốc trong các kết quả tìm được. Trên thực tế, ông đã không thể tìm thấy bất cứ điều gì về Trung Quốc trên Internet.
Quay trở về Trung Quốc, ông đã lập ra China Pages. Đây là trang web thống kê các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài. Một số người còn cho rằng China Pages là trang web thương mại đầu tiên của Trung Quốc. Thế nhưng China Pages đã thất bại. Nhưng bốn năm sau, Ma đã thành lập một công ty khác, vẫn trong lĩnh vực Internet, tên là Alibaba.
Giờ đây, Alibaba đã lên sàn chứng khoán New York. Đây là vụ chào sàn lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Các nhà phân tích định giá Alibaba ở mức 160 tỉ USD. Điều này có nghĩa là Alibaba sẽ huy động được khoảng 20 tỉ USD, nhiều hơn cả Visa. Visa hiện là công ty huy động được nhiều nhất khi lần đầu chào bán ra công chúng với mức 19,65 USD.
Ma sẽ vẫn sở hữu 8,9% cổ phần của Alibaba, trị giá khoảng 14,5 tỉ USD nếu mức định giá công ty vẫn được giữ ở 160 tỉ USD. Ma không còn là giám đốc điều hành của Alibaba nữa. Ông chỉ còn giữ chức chủ tịch, nhưng sẽ vẫn là gương mặt đại diện của công ty.
Ma chưa bao giờ là một giám đốc điều hành công ty công nghệ như thường thấy ở các vị giám đốc khác. Ông thi đại học ba lần mới đậu. Ông là chủ một công ty công nghệ khổng lồ nhưng lại xuất phát là một giáo viên và thậm chí không hề biết lập trình. Quay trở lại thời điểm giữa thập niên 2000, khi Alibaba đang đấu với eBay ở Trung Quốc, báo chí đã gọi ông là “Jack điên” vì cách hoạt náo khi nói chuyện và những mục tiêu vô cùng táo bạo.
Câu chuyện về Ma bắt đầu ở Hàng Châu, Trung Quốc, một thành phố 2,4 triệu dân gần Thượng Hải. Đây là nơi ông được sinh ra năm 1964 trong một gia đình có cha mẹ là những nghệ sĩ biểu diễn ping tan (một loại hình kể chuyện và hát ngâm thơ truyền thống Trung Quốc).
Trong cuốn sách “Alibaba” của tác giả Liu Shiying và Martha Avery, Ma kể lại rằng: “Hồi nhỏ tôi rất gầy gò nhưng rất máu gây sự. Tôi chả bao giờ sợ những tên to lớn hơn tôi.”
Lúc nhỏ, mặc dù Ma hay đánh nhau với các bạn cùng lớp do bị trêu chọc về hình dáng thấp bé, ở ông vẫn bật lên nét duyên khi tiếp xúc với du khách nước ngoài. Vào năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Hàng Châu và thành phố đã trở thành một thánh địa cho khách du lịch nước ngoài.
Lúc đó mỗi ngày ông đều đến một khách sạn địa phương để có thể gặp nước ngoài và học tiếng Anh. Ông cũng mua một cái radio để mỗi ngày có thể nghe các bản tin phát bằng tiếng Anh.
Mặc dù học ngoại ngữ rất giỏi nhưng khi học toán thì ông lại học không nổi. Điểm kém môn toán chính là nguyên nhân khiến ông hai lần rớt đại học.Cuối cùng, sau sự chuẩn bị rất kĩ cho lần thi thứ ba, ông đã thi đậu, và cũng đã tốt nghiệp Học viện sư phạm Hàng Châu năm 1988. Ông kể rằng ngay sau khi tốt nghiệp ông đã bị từ chối ở rất nhiều công ty, kể cả vị trí quản lí ở tiệm gà rán Kentucky. Tuy nhiên cuối cùng thì ông cũng có thể làm công việc dạy tiếng Anh với mức lương mỗi tháng 12 USD ở một trường đại học địa phương.
Khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ xuất khẩu, Ma đã mở một công ty dịch thuật.Điều này đã giúp ông có cơ hội lần đầu tiên đến Mỹ vào năm 1995 và khám phá Internet. Nỗ lực đầu tiên trong ngành kinh doanh Internet mang tên China Pages của ông bị thất bại. Theo tờ The New York Times, thất bại này đã tạo áp lực buộc ông liên doanh với China Telecom và rồi cuối cùng mất kiểm soát cả công ty.
Nhưng Ma đã quyết tâm làm lại lần nữa. Năm 1999, khi cơn sốt Internet tràn đến phố Wall ở Mỹ, Ma đã tập hợp 17 người bạn trong căn hộ của ông thành một đội ngũ cùng làm việc để xây dựng nên một thị trường trực tuyến cho riêng mình.
Trang web Alibaba.com cho phép các nhà xuất khẩu đăng tải danh sách hàng hóa để từ đó những nhà nhập khẩu có thể dò tìm được loại hàng cần mua. Trang web này đã thu hút được thành viên trên toàn thế giới. Đến tháng 10/1999, công ty của Ma đã huy động được 5 triệu USD từ Goldman Sachs và 20 triệu USD từ SoftBank, một công ty viễn thông của Nhật có cả hoạt động đầu tư vào các công ty công nghệ.
Cảnh quay những ngày đầu thành lập Alibaba mà bạn có thể xem trong phim “Cá sấu ở sông Dương Tử” (Crocodile in the Yangtze) đã hé lộ tài ăn nói cuốn hút của Ma có thể lan truyền những giấc mơ lớn của ông đến mọi người xung quanh. Ngay cả khi đội ngũ làm việc tại Alibaba bắt đầu mở rộng, Porter Erisman – tác giả của phim tài liệu “Cá sấu ở sông Dương Tử” đồng thời cũng là nhân viên Alibaba từ những ngày đầu – vẫn cảm thấy Alibaba là một gia đình gắn bó khắng khít lẫn nhau. Ma đã khích lệ tinh thần cả đội bằng cách tạo cho công ty đặc tính của kẻ nhỏ con hay gây sự luôn sẵn sàng nghênh chiến những gã khổng lồ.
“Chúng ta sẽ thành công vì chúng ta còn trẻ và chúng ta không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ bỏ cuộc.” – Ông đã thu âm như vậy để nói với đội ngũ nhân viên của mình.
Ông đã có những tuyên bố táo bạo với giới báo chí về tốc độ tăng trưởng mà công ty sẽ đạt được, trong đó có một điểm chỉ đạo Erisman rằng nếu công ty muốn được quảng cáo miễn phí thì họ phải phát biểu vài lời điên khùng.
Tình yêu nghệ thuật (có lẽ được thừa hưởng từ cha mẹ) đã giúp Ma tạo được bầu không khí vui nhộn lạ thường ở nơi làm việc. Khi Alibaba lần đầu tiên hoạt động có lãi, Ma đã đưa cho mỗi nhân viên một chai Silly String để xịt tưng bừng khắp văn phòng. Đến khi công ty quyết định lập trang Taobao vào đầu những năm 2000, xác định đối đầu với eBay, ông đã yêu cầu nhóm vận hành Taobao trồng cây chuối lúc giải lao để luôn giữ được tinh thần tỉnh táo năng động.
Hiện tại, Ma đang dẫn một chương trình tìm kiếm tài năng được tổ chức mỗi năm một lần ở một sân vận động khổng lồ mà nhân viên phải luyện tập trong nhiều tuần trước khi chương trình diễn ra. Theo tờ Wall Street Journal, trong một nghi lễ được tổ chức hàng năm, hàng trăm nhân viên Alibaba mới cưới mặc lễ phục cưới và Ma ở đó để chúc phúc cho họ.
Trong những ngày đầu thành lập công ty, tất nhiên là ông cũng không tránh khỏi phạm sai lầm. Công ty đã tăng trưởng rất nhanh nhưng cạn kiệt tiền mặt. Năm 2001, Ma phải sa thải toàn bộ nhân viên người nước ngoài. Erisman vẫn nhớ về cú điện thoại sau khi Ma quyết định đóng cửa văn phòng Alibaba ở Mỹ rồi tự chất vấn bản thân rằng liệu mình có phải là một con người tệ bạc hay không.
Nhưng cuối cùng thì nhờ vào tinh thần sẵn sàng đón nhận rủi ro và khao khát xây dựng một trang web phục vụ nhu cầu của tất cả người Trung Quốc – trong đó nhiều người mới vừa biết đến Internet – Ma đã điều hành công ty đánh bại eBay ở Trung Quốc vào giữa những năm 2000. Giờ đây Taobao đang là một trong 20 trang web được truy cập nhiều nhất thế giới, và cùng với một trang web khác của Alibaba là Tmall sở hữu khối lượng giao dịch có tổng trị giá 240 tỉ USD trong năm 2013.
Ma thôi giữ chức giám đốc điều hành công ty vào năm 2013. Giám đốc điều hành mới là Johnathan Lu, trước đó đã giữ chức phó chủ tịch cấp cao của công ty. Ma nói với tờ The Wall Street Journal rằng: “Tôi đã nghĩ mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi tôi không làm giám đốc điều hành nữa, nhưng giờ tôi phát hiện ra nếu muốn làm tốt vị trí chủ tịch thì còn bận rộn hơn nhiều so việc làm một giám đốc điều hành.”
Sau khi công ty nộp đơn xin phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, Ma đã viết một bức thư cho toàn bộ nhân viên Alibaba. Bức thư này sau đó đã được đăng trên tờ The Wall Street Journal. Trong thư Ma viết rằng con đường phía trước “tàn khốc vô song và đầy ắp áp lực”, nhưng công ty hoàn toàn có thể vượt qua bằng cách luôn tuân theo sứ mệnh khi thành lập công ty và văn hóa công ty.
Sau đây là một đoạn ý nghĩa nhất trong toàn bộ bức thư: “Chúng ta đều hiểu rõ điều giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn không phải là những chiến lược xuất sắc với tầm nhìn xa trông rộng, hay cách điều hành công ty hoàn hảo, mà là trong 15 năm qua chúng ta đã luôn tuân thủ sứ mệnh "giúp hoạt động kinh doanh toàn cầu trở nên dễ dàng hơn", luôn nhấn mạnh hệ thống giá trị coi khách hàng là thượng đế, và luôn khẳng định rằng người bình thường cũng có thể làm nên chuyện phi thường.”
Theo PC World VN.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
Xem thêm các bài viết khác
0 nhận xét | Viết lời bình