Trong lịch sử kéo dài hơn 6 năm, Google đã cho ra mắt 10 phiên bản Android tên gọi khác nhau với nhiều tính năng bổ sung trong mỗi thời kì. Nhưng đâu là tính năng được đánh giá đặc trưng nhất trên từng phiên bản?
Android 1.5 Cupcake
Tính năng độc đáo xuất hiện trong Android 1.5 Cupcake chính là phần mềm bàn phím. Điều này là hết sức quan trọng bởi trong những năm 2008 đến 2009, smartphone chủ yếu phụ thuộc vào bàn phím QWERTY vật lí để nhập dữ liệu. Nó đã thay đổi kể từ Cupcake, giúp các thiết bị Android cạnh tranh tốt hơn với iPhone của Apple.
Android 1.6 Donut
Được đánh giá là một trong những phiên bản Android thấp nhất dựa trên dữ liệu người dùng, nhưng Donut đánh dấu là bước chuyển mình của Android với khả năng hỗ trợ nhiều độ phân giải màn hình, hoạt động một cách độc lập với mật độ điểm ảnh. Điều này đã giúp Android mở rộng hoạt động tương thích trên nhiều thiết bị có kích thước và độ phân giải màn hình khác nhau như ngày nay.
Android 2.0 Eclair
Cải tiến sáng giá nhất trong Eclair chính là phần mềm máy ảnh. Trước Eclair, Android không hỗ trợ phần mềm xử lí đèn flash LED thông minh, khiến người dùng không thể kiểm soát được nó. Tính năng này đã mở ra tương lai cho sự xuất hiện của các tính năng như hiệu ứng màu sắc, chế độ chụp cảnh, chế độ lấy nét và thậm chí cả cân bằng trắng.
Android 2.2 Froyo
Hai cải tiến trong số những tính năng mà Froyo đã mang lại chính là tốc độ và hỗ trợ Wi-Fi hotspot, nhưng nổi bật nhất vẫn là tốc độ vì nó có tác dụng lớn hơn so với Wi-Fi hotspot vốn ít được sử dụng hơn. Theo đánh giá, Froyo mang đến cải tiến hiệu suất từ 2 đến 5 lần theo Google thông qua trình biên dịch Dalvik. Trình biên dịch này đã tồn tại trong nhiều năm, cho đến khi Google chuyển sang sử dụng trình biên dịch ART trên Android 5.0 Lollipop mới đây (Android 4.4 KitKat cũng có ART nhưng ở dạng tùy chỉnh.
Android 2.3 Gingerbread
Đây là một trong những phiên bản Android được sử dụng phổ biến nhất, thậm chí đến nay vẫn còn khoảng 11% thiết bị Android chạy Gingerbread. Mặc dù không có cải tiến nào là lớn, nhưng nó là sự tổng hợp của những cải tiến nhỏ, tạo ra một bản cập nhật khá toàn diện.
Nhưng nếu phải chọn một trong những biểu tượng đặc trưng trên Android 2.3 Gingerbread thì có thể nhắc đến khả năng hỗ trợ cảm biến nhiều hơn, bao gồm cảm biến áp suất khí quyển và quan trọng hơn là con quay hồi chuyển. Trước Android 2.3, cảm biến con quay hồi chuyển không tồn tại, hạn chế khả năng trên smartphone, đặc biệt khi chơi game.
Android 3.0 Honeycomb
Nhờ thiết kế dành riêng cho tablet khi ra mắt, Honeycomb nhanh chóng trở thành một trong những bản cập nhật Android phổ biến nhất. Không có nhiều cải tiến có trong phiên bản này, nhưng nhìn chung nó mang đến một trải nghiệm tốt hơn trên thiết bị có màn hình lớn.
Android 4.0 Ice Cream Sandwich
Đặc trưng trong ICS chính là sự xuất hiện của giao diện Holo, đã thổi bay đi sự nghèo nàn có trong giao diện Android trước đó. Mặc dù Google đã chuyển sang giao diện triết lí phẳng trong phiên bản Android 5.0 Lollipop, nhưng nhìn chung nó vẫn còn ảnh hưởng bởi giao diện Holo.
Android 4.1 Jelly Bean
Jelly Bean được tung ra với một vài cải tiến, trong đó sáng giá nhất chính là sự xuất hiện đầu tiên của tính năng Google Now - ứng dụng trợ lí ảo của gã khổng lồ lĩnh vực tìm kiếm. Google Now hiện tại đã sẵn sàng cung cấp cho người dùng câu trả lời nhanh về bất cứ điều gì, thậm chí còn tùy thuộc vào ngữ cảnh, như là câu trả lời của Google đối với Siri của Apple.
Android 4.4 KitKat
Với KitKat, Google không chỉ tiếp tục hiện đại hóa giao diện người dùng mà còn đẩy mạnh khả năng hỗ trợ cho các thiết bị phần cứng giá rẻ. Nhờ sự cải tiến hiệu suất, Google tự hào rằng ngay cả những thiết bị chỉ có RAM 512 MB cũng có thể chạy KitKat. Đây là một thông tin khá lớn, nhất là khi thị trường cao cấp đã bắt đầu bão hòa, Google buộc phải chuyển sang thúc đẩy phân khúc giá rẻ tại thị trường đang phát triển.
Android 5.0 Lollipop
Không nghi ngờ gì khi nói Lollipop là phiên bản Android trực quan nhất nhờ triết lí thiết kế phẳng của Google. Trong Lollipop, hình ảnh phẳng hơn và nhiều màu sắc hơn so với trước đây. Hiện tại vẫn chưa thiết bị nào đã được cập nhật lên phiên bản mới, ngoài sự xuất hiện của bộ đôi Nexus 6 và Nexus 9 mới nhất của Google (nhưng vẫn chưa chính thức lên kệ).
Nguồn Phonearena.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
Xem thêm các bài viết khác
0 nhận xét | Viết lời bình