Kẻ gian hack tài khoản Yahoo! hay Facebook để lừa đảo mua mã thẻ cào điện thoại không còn là câu chuyện mới, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra một số vụ mà người bị hại bị lừa những khoản tiền lớn trên Facebook.
Cùng lúc lừa cả hai cậu cháu qua Facebook
Trung tá Hà Thị Hằng, Phó phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 5 trở lại đây, PC50 Công an Hà Nội liên tục nhận được gần 10 đơn tố giác của người dân về việc họ bị chiếm đoạt tiền của những kẻ hack nick Facebook. Hầu hết những người bị hại đều dính chung một kịch bản lừa, đó là những kẻ lừa đảo đã giả vờ làm người thân, bạn bè chat với những người này qua tin nhắn Facebook là họ đang cần tiền gấp, nhờ những người này giúp đỡ bằng cách mua thẻ cào điện thoại rồi nhắn mã thẻ qua tin nhắn Facebook. Trong số những người đến tố cáo với cơ quan công an người bị lừa số tiền lớn nhất lên đến 200 triệu đồng.
Ngày 30/5/2014, PC50 đã nhận được đơn tố cáo của chị Bích Ch (ở Đan Phượng – Hà Nội) về việc chị này bị lừa đảo mất 200 triệu đồng qua Facebook. Theo đó, ngày 27/5, chị Bích Ch nhận được điện thoại của cậu ruột (đang sống ở Đức) nhờ mua hộ chị Phượng (bạn của cậu đang sống ở Nga) 5 triệu tiền thẻ cào Viettel, chị Bích Ch đã mua và nhắn mã thẻ cho chị Phượng qua Facebook. Phượng giải thích với chị Bích Ch là dùng mã thẻ này để bán cho khách để khách chuyển sang mã thẻ quốc tế, rồi dùng để đổi card và dùng card này để chi tiêu mua sắm tại các siêu thị. Sau đó, Phượng tiếp tục nhờ Bích Ch mua hộ 15 triệu tiền thẻ cào để nhắn mã thẻ tiếp qua Facebook, nhắn xong Phượng lại nhờ mua thêm 30 triệu nữa gửi mã thẻ cho Phượng. Chỉ riêng trong ngày 27/5, Bích Chi đã mua tổng cộng 50 triệu tiền thẻ cào mà gửi mã qua Facebook cho Phượng. Sáng hôm sau, Phượng có nhắn tin cho Bích Ch nói là đã chuyển 70 triệu vào tài khoản của để trả 50 triệu tiền mua thẻ, còn 20 triệu đồng là hoa đồng cho Bích Ch.
Tiếp đến ngày 28/5, Phượng lại nhờ Bích Ch mua tiếp 50 triệu tiền thẻ của cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone. Bích Ch nhắn qua Facebook hỏi ý kiến cậu thì được cậu trả lời "cứ gửi cho nó đi, cậu chịu trách nhiệm". Vì tin tưởng Phượng là bạn của cậu ruột mình, Bích Ch tiếp tục gửi cho Phượng 50 triệu đồng qua mã thẻ. Đến chiều, Phượng tiếp tục nhắn trên Facebook nhờ Bích Ch mua tiếp 100 triệu đồng tiền mã thẻ gửi cho Phượng và Bích Ch lại làm theo. Chỉ trong 2 ngày 27 và 28/5, Bích Ch đã gửi tổng cộng 200 triệu tiền mã thẻ điện thoại các loại qua Facebook cho Phượng. Tinh vi hơn, Phượng còn dặn Bích Ch đốt toàn bộ số thẻ đã cào để tránh bị lộ mã thẻ.
Nhưng thực tế, Bích Ch đã bị lừa ngoạn mục vì Facebook của chị Phượng đã bị hack, bọn lừa đảo đã giả danh chị Phượng nhắn tin lừa cả hai cậu cháu Bích Ch. Mặc dù kẻ giả danh Phượng nhắn tin nói đã chuyển tiền mua thẻ cho Bích Ch nhưng sau khi chờ đợi 3 ngày không nhận được tiền trả nợ qua ngân hàng, Bích Ch đã làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Mới đây nhất vào ngày 24/6, PC50 Công an Hà Nội đã nhận được đơn trình báo của ông Hùng (ở Hà Nội) cũng bị một kẻ lừa đảo qua Facebook chiếm đoạt tài khoản của bạn ông Hùng, nhờ ông này mua mã thẻ điện thoại và ông đã tin tưởng đó là bạn mình cần nên đã bị mất 82 triệu đồng. Ngày 20/5, một người khác đã bị những kẻ lừa đảo hack Facebook của chị dâu và nhờ nạp thẻ điện thoại, chị này đã bị chiếm đoạt 29 triệu đồng.
Chưa bắt được thủ phạm
Thủ đoạn của bọn chúng là tận dụng những mối quan hệ thân thiết, những người này sống ở khoảng cách xa nhau, thậm chí là ở nước ngoài. Đồng thời, chúng tìm hiểu kĩ những trao đổi của người bị hại với người thân của mình, sau đó dùng lời lẽ tương tự như vậy để nói chuyện với người bị hại. Bọn chúng chọn những giờ cao điểm như gần hết giờ làm việc, giờ đang nấu cơm, sau đó chúng thường bịa ra những tình huống cần tiền gấp gáp và nhờ người thân giúp đỡ nhanh chóng bằng cách cung cấp mã thẻ cào. Hầu hết những người bị hại đến trình báo đều tưởng đó là người thân của mình nên nhanh chóng giúp đỡ mà không chút nghi ngờ, không gọi điện xác minh lại với người thân của mình.
Trung tá Hà Thị Hằng cho biết, cơ quan điều tra đang trong quá trình truy xét và chưa bắt được thủ phạm trong các vụ lừa đảo kể trên. Hiện nay công tác điều tra cũng khó khăn, do khi lừa được mã thẻ bọn chúng đã tẩu tán mã thẻ bằng cách nạp vào tài khoản game (mà phần lớn là game lậu). Các tài khoản game này không được đăng kí chính xác danh tính nên khó xác định được nhân thân của chủ tài khoản. Khoản tiền lừa được từ mã thẻ này sẽ được chuyển đổi dùng để chơi game, mua các ứng dụng online, hoặc bán lại mã thẻ trên mạng.
Bắt buộc phải gọi điện xác minh khi được nhờ vả qua Facebook
Cơ quan công an cảnh báo, khi nhận được thông tin của người thân yêu cầu nạp tiền hãy dùng điện thoại để gọi kiểm tra lại người thân của mình sẽ không bao giờ bị mắc lừa qua Facebook, trong trường hợp chưa xác minh được thì tốt nhất là không nên nạp tiền ngay. Những người dùng Facebook cũng cực kì cảnh giác, hết sức cẩn thận khi dùng các ứng dụng trên mạng, không truy cập vào những trang web lạ hoặc trả lời những tin nhắn lạ để tránh bị hack mật khẩu, dẫn đến bọn hacker chiếm quyền quản trị, sau đó lợi dụng Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người thân, bạn bè của mình.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
0 nhận xét | Viết lời bình