Khi đề cập đến cách sạc cũng như cách dùng pin các thiết bị di động, có nhiều quy tắc cũng như lời khuyên người dùng nên làm hoặc tránh để đảm bảo tuổi thọ pin. Chẳng hạn như không nên sử dụng điện thoại trong khi sạc, đừng cắm sạc điện thoại cả đêm; hay chỉ sạc một khi pin đã cạn kiệt... Trong số hàng tá lời hướng dẫn cách sử dụng pin, song song với những lời khuyên “chí tình” vẫn tồn tại không ít những lời đồn thổi mà người dùng nên bỏ qua vì chúng đa phần được phán đoán dựa vào các công nghệ pin trước đây. Đơn cử, các loại pin nickel cần phải được xả sạc hoàn toàn. Đây là một lời khuyên đúng đắn cho các loại pin cũ - song không còn đúng nữa khi áp dụng cho các loại pin lithium ngày nay. Hãy cùng điểm danh những bí mật lớn về 5 lời khuyên khi sạc pin thường được nhắc đến ngày nay.
1. Dùng bộ sạc không chính hãng có thể làm hư pin
Sự thật là không phải tất cả các bộ sạc không chính hãng đều làm hư hỏng pin của thiết bị di động. Trong một thí nghiệm chi tiết so sánh nhiều bộ sạc từ những mẫu tên tuổi như HP, Apple, Samsung, Monoprice, Belkin cho đến các sản phẩm no-name, Lifehacker đã cho thấy các bộ sạc “tên tuổi” được phân phối chính hãng là những sản phẩm tin cậy nhất, liền sau đó là các bộ sạc cung cấp bởi bên thứ 3 như Belkin hay KMS. Những bộ sạc rẻ tiền không chính hãng theo như Lifehacker nhận định thường là loại “tiền nào của nấy” ngoại trừ những sản phẩm mang thương hiệu Monoprice mà trang công nghệ này đã thử nghiệm. Như vậy, có thể kết luận, những bộ sạc cung cấp bởi hãng thứ 3 tuy không tốt bằng hàng chính hãng, song vẫn được đảm bảo và không làm tổn hại pin của người dùng. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý, tránh sử dụng những bộ sạc không chính hãng giá rẻ vì độ tin cậy kém.
2. Không nên dùng điện thoại khi đang sạc
Sự thật: bạn có thể thoải mái sử dụng máy ngay cả khi đang sạc pin, miễn là bạn không đang sử dụng những bộ sạc không chính hãng rẻ tiền. Đa phần người dùng đều tin rằng sử dụng điện thoại trong lúc sạc có thể khiến nổ pin hay khiến người dùng bị điện giật. Thế giới cũng từng cảnh giác cao độ trước vụ việc nổ pin iPhone 4 xảy ra với một tiếp viên hàng không tên Ma Ailun vào tháng 7/2013 khi cô này dùng điện thoại trong lúc sạc. Tuy nhiên, các báo cáo điều tra sau đó cho thấy rủi ro này bắt nguồn từ việc Ma Ailun sử dụng bộ sạc không phải do chính Apple cung cấp. Như vậy, nếu sở hữu một bộ sạc và pin sạc được chứng nhận bởi nhà sản xuất, người dùng có thể yên tâm bỏ qua lời khuyên này.
3. Sạc điện thoại cả đêm cũng làm hư pin
Sự thật là pin điện thoại ngày nay thông minh hơn bạn nghĩ. Một khi được sạc đầy, pin sẽ tự động ngắt sạc. Tuy vậy, người dùng tốt hơn hết không nên cắm sạc điện thoại liên tục cả đêm ngày này qua tháng khác vì bạn không thể làm đầy một chiếc cốc đã đầy nước.
4. Bạn không cần phải tắt điện thoại khi sạc pin
Điều này không sai, song smartphone cũng là một thiết bị cần được “nghỉ ngơi” sau khoảng thời gian dài hoạt động liên tục. Apple từng đề nghị người dùng nên tắt các thiết bị di động để chúng có thể nghỉ ngơi và hơn nữa là để tối ưu thời lượng dùng pin. Người dùng có thể chọn cách tắt điện thoại vào mỗi tối hoặc ít nhất vào mỗi cuối tuần trước khi đi ngủ. Hành động này cũng giúp các thiết bị Android cải thiện thời lượng sử dụng pin.
5. Không sạc điện thoại khi chưa hết pin
Theo Isidor Buchmann, CEO của Cadex, công ty chuyên sản xuất và kiểm tra các bộ sạc pin cho hay, hành động sạc pin mỗi ngày tốt hơn nhiều so với khi chỉ sạc những lúc pin đã cạn kiệt. Việc sạc pin hàng ngày giúp pin ít bị áp lực hơn và có thể tồn tại được lâu hơn. Các loại pin Lithium-ion ngày nay thường mất đi tính ổn định khi người dùng sạc pin lúc dung lượng đã hoàn toàn cạn kiệt. Nhiều loại pin còn có một số lần sạc nhất định được đếm ngược và trừ đi mỗi khi pin cạn kiệt hoàn toàn.
6. Nhiệt độ làm hỏng pin
Điều này hoàn toàn đúng đắn. Pin Lithium-ion ngày nay tự làm nóng bản thân và càng nóng hơn một khi được sạc điện. Thời tiết lạnh giá cũng có thể có những tác động tiêu cực đến tuổi thọ của một chiếc điện thoại; và một thỏi pin trong môi trường lạnh giá sẽ “chết” nhanh hơn bình thường khi sử dụng ở nhiệt độ thấp. Chính vì thế, điện thoại của bạn sẽ được an toàn hơn nếu môi trường hoạt động có nhiệt độ nằm trong mức khuyến cáo của hãng. Với Apple, 0 độ C là giới hạn thấp nhất mà các thiết bị có thể chịu đựng được. Riêng với Samsung, hãng bảo đảm các thiết bị di động vẫn có thể hoạt động tốt trong môi trường nhiệt độ từ -4 đến 122 độ.
Cũng theo Isidor Buchmann, để kéo dài tuổi thọ pin, người dùng tốt nhất chỉ nên sạc pin cho điện thoại trong những môi trường có nhiệt độ không quá mức 30 độ C. Khi sạc pin, tránh để điện thoại trên gối hay những bề mặt có thể ngăn cản sự thoát nhiệt và cũng không nên để pin trong tình trạng cạn kiệt quá lâu tránh làm giảm tuổi thọ pin.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
0 nhận xét | Viết lời bình