saostar

Giải pháp bán hàng online Số 1 Việt Nam

Luật chống nghiện game ra đời

Hàn Quốc hiện tại là thiên đường của các game thủ. Các tựa game như Starcraft và mới đây là League of Legends có lượng người chơi khá đông đảo. Việc tới quán game "PC bang" (một dạng cafe internet với những hàng máy tính cấu hình mới nhất) đang trở thành trò tiêu khiển của nhiều thanh niên Hàn Quốc. Chơi game chuyên nghiệp hay còn gọi là e-Sports (Thể thao điện tử) được coi là một ngành công nghiệp triệu đô tại Hàn Quốc. Bạn thậm chí còn có thể nhận bằng cử nhân trong lĩnh vực e-Sport tại đất nước này.
Tuy nhiên một số thành viên trong chính phủ Hàn Quốc cho rằng văn hóa game đã thâm nhập sâu tới mức gây thiệt hại trên toàn quốc. Trong một cuộc tranh luận được Đảng Dân chủ Hàn Quốc tổ chức vào ngày 18/6 vừa qua, các quan chức chính phủ, giáo sư, và các đại diện ngành công nghiệp game đã ngồi với nhau để thảo luận về giá trị của game.
Được mang tên "Video game: Nghiện ngập hay nghệ thuật", cuộc tranh luận tập trung vào luật Chống nghiện game sắp được ban hành. Luật này sẽ có những phương pháp quản lí game tương tự như với ma túy và rượu. Đây được coi là cách thích hợp nhất để ngăn chặn sức hút của video game tại Hàn Quốc.
Nhiều người tham gia thảo luận đã lên tiếng bảo vệ cho việc chơi game. Ông Jong-Duk Kim của Hiệp hội Các nhà phát triển Game khẳng định rằng tiêu đề cuộc thảo luận đã tự làm rõ vấn đề.
"Mọi người và mọi thứ đều có quyền tự do thể hiện và các trò chơi cũng vậy. Chúng cũng có quyền tự do thể hiện như một phương tiện thể hiện hợp pháp, dù có phải là nghệ thuật hay không. Tiêu đề của cuộc tranh luận khiến chúng ta nghĩ rằng nếu các game video là một hình thức nghệ thuật, chúng cần được bảo vệ và ngược lại sẽ bị trừng phạt".
Chủ tịch hội game thủ Gamers Foundation Goong-Hoon Nam cũng chia sẻ rằng hạn chế game video sẽ không giải quyết tận gốc được vấn đề.

Những nhận thức xã hội tiêu cực về video game đã lên đến đỉnh điểm khi gần đây tại Hàn Quốc xảy ra quá nhiều tai nạn liên quan tới chứng nghiện game. Hồi tháng 4/2014, một người đàn ông nghiện game đã bỏ đứa con trai 2 tuổi của anh chết đói chỉ vì mải chơi game trong PC bang và không trở về nhà trong vài ngày.
Những người khác lại cho rằng chính sức ép từ phụ huynh dẫn tới việc thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện game và họ cũng là nhân tố chính góp phần giúp đỡ con em cai nghiện game. Thanh thiếu niên Hàn Quốc tìm đến game để giải tỏa căng thẳng do bị phụ huynh ép phải học tập quá nhiều. Giáo sư Joong-Kwon Jin kêu gọi các bậc cha mẹ nên tâm sự nhiều hơn với con cái để giảm mức độ căng thẳng cho chúng.
Vào cuối năm 2011, sau khi một báo cáo công bố rằng các học sinh tuổi teen đang dành hơn 2 giờ mỗi ngày sau giờ học để chơi game, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật Shutdown Law, ngăn cấm các thiếu niên độ tuổi dưới 16 chơi game từ nửa đêm tới 6 giờ sáng.
Tình trạng nghiện game ở Việt Nam hiện cũng đang lan tràn trong thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên Đại học. Rất nhiều cử nhân tương lai của đất nước ban ngày thì gà gật trên giảng đường nhưng ban đêm lại tỉnh như sáo, hò hét khua chuột múa phím trong các quán Internet game. Có thể dễ dàng kể tên những thiên đường của game thủ, những con phố dày đặc quán Internet game như ngõ Tự do, Lê Thanh Nghị, Khương Thượng ở Hà Nội hay Trần Quang Khải ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là hàng ngàn hàng vạn quán Internet game khác hoạt động thâu đêm đan xen trong các khu trọ sinh viên.
Không chỉ cho thuê máy và cung cấp kết nối Internet, các quán Internet game sẵn sàng phục vụ các game thủ từ A đến Z. Ngoài nước uống và đồ ăn, một số quán còn có phòng ngủ nghỉ cho game thủ để họ an tâm chinh chiến.
Thiết nghĩ nếu các cơ quan chức năng của nước ta không nhanh chóng thắt chặt quản lí các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet game và không có những điều luật cụ thể, nghiêm minh như Hàn Quốc thì rất nhiều thế hệ thanh thiếu niên, mầm non của đất nước, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về sức khỏe lẫn trình độ học vấn.

VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 tech express