Bạn đọc là sinh viên kể, ngày 24/6, vào khoảng 8h30 tối, anh đạp xe từ trường Sư phạm kĩ thuật TP HCM về phòng. Đoạn đường vừa qua Nguyễn Kim rẽ qua đường số 6, nối Võ Văn Ngân và Hoàng Diệu 2, quận 9, anh gặp một thanh niên mặc áo khoác màu tối, chạy Air Blade đen bạc, ăn mặc lịch sự, giọng nói miền Trung khó nghe chủ động bắt chuyện. Lúc đầu, anh tưởng người lạ hỏi đường nên nán lại nghe cho rõ, khi anh biết người ta nhờ vả đã lắc đầu từ chối.
Người đàn ông gặp anh bảo, anh ta ghé Nguyễn Kim giao đồ (10 cục pin laptop các loại và 3 bộ xích ô tô khá to). Tuy nhiên, có sếp lớn ở đó nên anh ngại giáp mặt, muốn nhờ người mang vào cho một chị ở tầng 2, quầy 6. Sau đó, anh ta lấy điện thoại gọi và nói là số hàng giao đến có giá 19,5 triệu đồng. Không chỉ nhờ giao đồ đạc giá trị, người này còn nói chàng sinh viên đưa ba lô cho anh giữ. Khi bị từ chối, anh ta giở trò khiêu khích: “Đồ đạc của anh mười mấy triệu mà anh không ngại, mày ngại gì. Tới lúc đi làm, mày cũng gặp trường hợp thế này thôi. Mày là thanh niên, mày ngại gì?”.
Chàng sinh viên tiếp tục từ chối 2 lần nữa, anh ta đều gọi cho người phụ nữ ở tòa nhà Nguyễn Kim xác nhận uy tín. Người đàn bà đó nói giọng Bắc và khẳng định: “Chị trước giờ đảm bảo uy tín, em cứ lên tầng 2, Nguyễn Kim rồi chị ra đón. Chị chuẩn bị hóa đơn với tiền bạc cả rồi”.
Bạn đọc bị lừa nói thêm, người thanh niên sau đó rút chìa khóa xe, khóa luôn ổ khóa, dúi vào tay anh đồ đạc và nài nỉ. Lúc đó, anh không tin tưởng lắm nhưng do khá mệt mỏi, người này lại nói nhiều, anh không bình tĩnh để từ chối dứt khoát. Thế là anh đã đưa ba lô có laptop cho gã, đạp xe đi. Khi anh vừa ra khúc ngã 3 đã đạp xe vòng lại định từ chối, thấy người này vẫn ở đó chờ nên anh mềm lòng, quay đi. Đến Nguyễn Kim, lòng bình tĩnh hơn, anh quyết tâm quay lại trả đồ, hi vọng kịp nhưng người kia đã chạy mất.
Sau một lúc chạy khắp đường số 6 không thấy người cần tìm, anh gọi lại số điện thoại, người đàn bà kia vẫn nghe máy và nói: "Em cứ lên tầng 2 Nguyễn Kim". Thế nhưng, khi anh đến nơi hỏi nhân viên, ở đó không có quầy số 6. Anh biết mình đã bị lừa nên ôm pin laptop cũ và mấy cái xích đó về.
"Laptop của tôi tuy cũ, nhưng nó cũng có giá mà sinh viên Việt phải phụ thuộc vào gia đình mới có được. Việc tôi tin người để bị lừa như vậy đã khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Đây là một bài học lớn để tôi cũng như nhiều bạn nên có quyết định dứt khoát, bình tĩnh và thông minh hơn. Tôi vô cùng hối hận và chỉ tự biết trách mình đã dâng hiến của cải cho kẻ lừa đảo. Tôi cũng rất hối hận vì không kịp ghi lại biển số xe của kẻ đó.
Cuộc sống xô bồ ở các thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn, luôn trở thành nơi tập hợp của nhiều tên lừa đảo tinh vi. Vì vậy, các bạn phải thật chín chắn và thông minh hơn để không rơi vô hoàn cảnh tin người một cách khờ dại như tôi. Tôi chúc các bạn may mắn và không bị như mình", anh đưa ra lời khuyên.
Theo zing.vn.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
0 nhận xét | Viết lời bình